Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, ông Lương Minh Quyết cho biết, đến đầu tháng 5, thống kê được ảnh hưởng của hạn mặn đã gây thiệt hại lớn cho nông dân với hơn 28.200 ha lúa màu, thủy sản; trong đó, diện tích lúa bị thiệt hại là 24.773 ha lúa, chiếm 11% diện tích xuống giống; 3.183 ha mía bị thiệt hại/8.961 ha xuống giống. Diện tích cây ăn trái cũng bị thiệt hại trên 47,5 ha.



Thiệt hại nặng nhất là cây mía với hơn 305 tỷ đồng, cây lúa trên 250 tỷ đồng, ước tính tổng giá trị thiệt hại lên đến 632 tỷ đồng. Chưa kể nắng nóng kéo dài làm cho độ mặn tăng cao cũng làm cho hơn 674 ha tôm nuôi ở Mỹ Xuyên, Trần Đề và Vĩnh Châu bị thiệt hại (chiếm hơn 11% diện tích thả giống).

Tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương khẩn trương tổng hợp, thống kê diện tích, mức độ thiệt hại để có biện pháp hỗ trợ cho nông dân sớm nhất nhằm đảm bảo cho nông dân khắc phục hạn, mặn, vượt qua khó khăn, tái đầu tư cho sản xuất những vụ tới. Hiện số tiền thống kê hỗ trợ cho nông dân phải cần đến 34 tỷ đồng, với mức hỗ trợ mỗi ha lúa thiệt hại trên 70% là 2 triệu đồng và mỗi ha mía là 4 triệu đồng.

Tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành chi trả hỗ trợ số tiền trên 25 tỷ đồng cho nông dân bằng tiền tạm ứng từ ngân sách địa phương. Tỉnh đang đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí phần thiệt hại để nông dân sớm khắc phục thiên tai, ổn định cuộc sống.

Hạn mặn gây thiệt hại 632 tỷ đồng ở Sóc Trăng

100% mẫu xúc xích Vietfoods đều chứa chất cấm gây ung thư Sodium nitrate 521 là kết quả xét nghiệm của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội.



PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo – Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm Quốc Gia (Bộ Y tế) - khẳng định: Viện đã trả kết quả kiểm tra cho Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội kết quả có được là toàn bộ mẫu xúc xích được kiểm nghiệm đều chứa Sodium nitrate 521.  Theo quy định, Sodium nitrate 521 không có trong danh mục cho phép đưa vào xúc xích.

Do nghi vấn về chất lượng 2,2 tấn xúc xích Vietfoods được bảo quản tại kho đông lạnh của Cty TNHH Thương mại thực phẩm Hồng Anh (tại 140C ngõ 351 Lĩnh Nam - Vĩnh Hưng - quận Hoàng Mai), Chi cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội đã lấy mẫu 4 loại xúc xích (gồm các loại xúc xích: Chua cay Thái, xông khói, xúc xích Đức, Franks further) tiến hành kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia. 4 mẫu mang đi kiểm nghiệm này đều được giữ nguyên tem niêm phong, mỗi mẫu lấy 2 gói. Toàn bộ các loại xúc xích này được sản xuất tại Cơ sở Kinh doanh và chế biến thực phẩm Việt (Cty Vietfoods). Kết quả kiểm nghiệm được, cả 4 mẫu xúc xích mang đi kiểm nghiệm đều chứa chất cấm Sodium nitrate 251 với hàm lượng từ 89 - 100mg/kg. Đây là chất bị Bộ Y tế cấm dùng trong thực phẩm là thịt vì nếu nướng, rán xúc xích Vietfoods chứa chất cấm này ở nhiệt độ cao, chất này sẽ bị biến đổi chất và là tác nhân gây ra bệnh ung thư....



Phó đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14, Chi cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội - Ông Lê Việt Phương: “Tại Hà Nội có hai cơ sở kinh doanh xúc xích thuộc Cơ sở Kinh doanh và chế biến thực phẩm Việt (Cty Vietfoods). Sau khi có kết quả kiểm nghiệm về loại xúc xích này chứa chất cấm, chúng tôi đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số lượng xúc xích ở hai kho trên. Ngoài ra, trong thời gian tới, Chi cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội sẽ tiến hành xác minh, kiểm tra các loại xúc xích đang bán trên thị trường. Nếu phát hiện mẫu xúc xích có vi phạm chất lượng, sẽ tiến hành thu giữ và xử lý những người liên quan theo quy định của pháp luật". Điều khiến người dân hết sức hoang mang, là vì nhiều phụ huynh hàng ngày vẫn cho con ăn sản phẩm này, vì nhiều trẻ em rất thích xúc xích của Vietfoods. Điều đáng nói là, sản phẩm của Vietfoods từng là top 100 thương hiệu uy tín được tin dùng năm 2014.

Ăn gì cũng chết

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2016

Ở thượng nguồn sông Bưởi đoạn qua địa phận tỉnh Thanh Hóa, những ngày gần đây cá chết trắng sông, nước sông đổi màu, nổi bọt.

Sáng ngày 5-5, Chủ tịch UBND xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa -ông Lê Duy Dương cho biết những ngày gần đây, đoạn sông Bưởi chảy qua địa bàn xã xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt không rõ nguyên nhân, hiện chính quyền địa phương đã báo cáo sự việc lên cơ quan cấp trên để về kiểm tra, làm rõ nguyên nhân cá chết.



Vào ngày 4-5, chính quyền xã này nhận được tin báo từ thôn Biện, thôn Đồi cho biết dọc sông Bưởi đoạn chảy từ tỉnh Hòa Bình về xuất hiện tình trạng cá chết nổi trắng sông, nước sông có màu xanh đục, bốc mùi hôi thối và nhiều bọt trắng xóa.

UBND xã Thạch Lâm đã cử cán bộ xuống hiện trường kiểm tra và quan sát bằng mắt thường thấy có hiện tượng nước sông chuyển màu xanh đục, nước nổi bọt có mùi hôi, một lượng nhỏ cá chết dạt vào bờ. “Đi ngược sông kiểm tra thì phát hiện cá chết nhiều, đặc biệt là khu vực giáp ranh với huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình” - ông Dương nói.

Theo phản ánh của hàng trăm hộ dân sống cạnh sông Bưởi, ngày nào họ cũng ra sông giặt quần áo bình thường thì mấy ngày qua thấy nước sông nổi bọt trắng, cá dưới sông chết hàng loạt, nổi trắng trôi dạt khắp sông. Người dân lo lắng “Dân chúng tôi sống dựa rất nhiều vào nguồn nước sông Bưởi, trước tình trạng bất thường này bà con rất lo lắng”.

Ghi nhận thực tế tại khúc sông Bưởi đoạn qua thôn Biện, xã Thạch Lâm, có nhiều người dân tập trung ra sông Bưởi vớt cá bị chết đưa lên bờ. Nước sông có màu xanh đục, nổi bọt, bốc mùi tanh hôi.

Người dân nơi đây khẳng định nguyên nhân làm cho nguồn nước bị ô nhiễm gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt là do 2 nhà máy chế biến nông sản tại xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình xả thải ra sông gây nên.

Theo ông Lê Duy Dương, thống kê số cá tự nhiên (cá sông) chết được vớt lên bờ khoảng 1 tấn cá từ ngày 4-5 đến sáng nay 5-5. Ông Dương cho biết địa phương đã thông báo rộng rãi cho nhân dân không tự ý vớt cá chết về ăn, không lấy nước để tắm rửa sinh hoạt và cho gia súc, gia cầm uống cho đến khi cơ quan chức năng có kết quả kiểm tra.

Ông Dương cho biết thêm: “Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt trên sông Bưởi. Trước đó, vào năm 2013-2014, đoạn sông qua địa bàn cũng xảy ra tình trạng tương tự. Trong sáng nay (5-5), các ngành chức năng sẽ về phối hợp với địa phương đi kiểm tra nguồn nước để tìm nguyên nhân cá chết”.

Thanh Hóa - cá chết hàng loạt trên sông

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

Các chuyên gia cảnh báo, người dân không thể lơ là vì thủy ngân cực độc, sẽ vô cùng nguy hại nếu hít phải trước thông tin Tổng cục Môi trường quan trắc phát hiện có thủy ngân trong không khí Hà Nội.



Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường - Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng cho biết, độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang ở mức báo động. Số liệu của Trung tâm quan trắc môi trường (thuộc Tổng cục Môi trường) tính theo tuần từ 8/4 đến ngày 14/4, chỉ số chất lượng không khí (Air Quality Index - AQI) Hà Nội ở mức 54-140. Tuần cuối tháng 2 đầu tháng 3, chỉ số AQI dao động 122-178. 

Theo thang đánh giá chất lượng không khí ảnh hưởng sức khỏe con người (chuẩn quốc tế), AQI mức độ tốt là dưới 50 và ký hiệu màu xanh. Chỉ số AQI ở mức 51-100 thuộc nhóm trung bình với cảnh báo vàng, khuyến cáo người thuộc nhóm nhạy cảm với ô nhiễm môi trường nên hạn chế ở bên ngoài. AQI từ 101 đến 151 (khu vực da cam) là kém. Độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang ở mức da cam, tức mức khuyến cáo người nhạy cảm cần hạn chế ở ngoài, theo thang này. Nhóm nhạy cảm bao gồm trẻ em, người già và người mắc bệnh hô hấp. 

Mới đây thiết bị đo đạc quan trắc đã phát hiện chất độc thủy ngân có trong bầu không khí thủ đô, nhưng vẫn chưa xác định được chỉ số cụ thể. Do chỉ mới đo được một địa điểm ở Hà Nội, phá hiện thủy ngân có trong không khí, vì vậy chưa có đủ căn cứ để kết luận về chỉ số này, theo các chuyên gia không thể lơ là bởi thủy ngân cực độc, sẽ vô cùng nguy hại nếu con người hít phải không khí có chứa chất này.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Côn cho biết, thủy ngân nguyên tố lỏng ít độc, nếu ở dạng hơi hay hợp chất, muối thì rất độc và là nguyên nhân gây ra các tổn thương não, gan khi con người tiếp xúc, hít thở, ăn phải. Không khí ở nhiệt độ phòng có thể bão hòa hơi thủy ngân cao hơn nhiều lần so với mức cho phép. Nếu hít phải khí có chứa thủy ngân, thủy ngân sẽ hấp thu nhanh qua đường hô hấp, qua màng phế nang vào máu đến thận, gan lách và hệ thần kinh trung ương.

Phó giáo sư Côn cho rằng hít phải thủy ngân có thể gây bệnh phổi nặng cấp tính, khiến nạn nhân bị ho, khó thở, đau tức ngực và có cảm giác đau rát ở phổi. Ngoài ra, nó gây mất trí nhớ, viêm miệng, lơ mơ, co giật, nôn ói và viêm ruột. Trong một số trường hợp có thể gây ra ngộ độc cấp tính, suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu tiếp xúc lượng thủy ngân nhiều.

Thủy ngân là chất độc tích lũy sinh học rất dễ dàng hấp thụ qua da, các cơ quan hô hấp và tiêu hóa. Các hợp chất vô cơ ít độc hơn so với hợp chất hữu cơ của thủy ngân. Cho dù ít độc hơn so với các hợp chất của nó nhưng thủy ngân vẫn tạo ra sự ô nhiễm đáng kể đối với môi trường vì hình thành các hợp chất hữu cơ trong cơ thể sinh vật. Một trong những hợp chất độc nhất của nó là dimetyl thủy ngân, độc đến mức chỉ vài micrôlít rơi vào da có thể gây tử vong. 

Thủy ngân tấn công hệ thần kinh trung ương và hệ nội tiết, ảnh hưởng tới miệng, các cơ quai hàm và răng. Chứng bệnh minamata là một dạng ngộ độc thủy ngân. Sự phơi nhiễm kéo dài gây ra các tổn thương não gây tử vong. Nó có thể gây ra các rủi ro hay khuyết tật đối với các thai nhi. 

Có nhiều khả năng thủy ngân đo được trong không khí Hà Nội được sinh ra từ các lò đốt rác thải y tế hoặc rác thải công nghiệp, các địa điểm sản xuất vàng bạc, các trung tâm nha khoa... Con người không thể can thiệp nếu thủy ngân có trong không khí, song có thể ngăn chặn tình trạng này nếu phát hiện ra nguồn sinh ra nó.

Ông Côn khuyến cáo, thủy ngân cần được tiếp xúc một cách cực kỳ cẩn thận. Các đồ chứa thủy ngân phải đậy nắp chặt chẽ để tránh rò rỉ và bay hơi. Việc đốt nóng thủy ngân hay các hợp chất của nó phải tiến hành trong điều kiện thông gió tốt và người thực hiện phải đội mũ có bộ lọc khí. Ngoài ra, người dân nên cẩn trọng với các vật dụng trong gia đình chứa thủy ngân như nhiệt kế. Khi bị ngộ độc thủy ngân, tốt nhất nên đưa bệnh nhân đến nơi thông thoáng và khẩn cấp đưa tới bệnh viện để được xử lý kịp thời.

Không khí Hà Nội cảnh báo ở mức da cam đến sức khỏe

Đại diện lãnh đạo 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế tổ chức họp, bàn giải pháp, truy tìm nguyên nhân dẫn đến cá chết hàng loạt dạt vào bờ biển miền Trung vào chiều nay tại UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Cuộc họp được thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám và ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chủ trì.



Formosa được cấp phép xả thải

Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT khẳng định hoàn toàn không có chuyện đường ống xả thải khổng lồ của công ty Formosa chạy ngầm dưới đáy biển trái phép.

Ngoài ra thứ trưởng Nhân khẳng định, quy trình xả thải của Formosa đã được Bộ TN&MT cấp phép theo đúng quy định pháp luật Việt Nam.

Hệ thống của công ty Formosa được công khai, đường ống nằm dưới mực nước biển 17m, đường kính hơn 1 mét, theo quy định khi xả thải thì toàn bộ nước thải phải được xử lý.

Ông Nhân nói: "Việc báo chí thông tin người dân lặn biển để tìm nguyên nhân khiến dư luận hiểu nhầm rằng Formosa xả trộm bằng đường ống khổng lồ dưới đáy biển. Tôi khẳng định Formosa được phép xả thải".

Thứ trưởng Bộ TN&MT cũng cho biết thêm, việc được phép xả thải, được phép chạy đường ống ngầm với việc nước thải đó có chất gì gây hại môi trường hay không, hai chuyện đó khác nhau. Việc này đang được kiểm tra.

Trước đó, khi làm việc với các phóng viên, đại diện Formosa cũng đã chủ động cung cấp cho phóng viên hệ thống đường ống ngầm dưới đáy biển này, lưu lượng xả thải 12.000m3 ngày đêm.

Đường ống xả thải dưới biển của Formosa được cấp phép